ĐỘI TNTP HỒ CHÍ MINH
HỘI ĐỒNG TRUNG ƯƠNG
*** |
Hà Nội, ngày 15 tháng 4 năm 2020 |
ĐỀ CƯƠNG HƯỚNG DẪN SINH HOẠT ĐỘI CHUYÊN ĐỀ
“Bác Hồ với thiếu nhi - Thiếu nhi với Bác Hồ”
----------
I. Nội dung trọng tâm
Tuyên truyền, giáo dục thiếu nhi về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những sự kiện lịch sử của Đảng, của đất nước, những địa danh lịch sử gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khơi dậy cho thiếu nhi niềm tự hào, lòng kính yêu Bác Hồ, nâng cao nhận thức của thiếu nhi về đạo đức, tư tưởng, phong cách Bác Hồ thông qua các buổi sinh hoạt liên đội, chi đội… Khích lệ các em học tập, rèn luyện và làm theo những lời dạy của Bác bằng những hành động, việc làm cụ thể để các em phấn đấu học tập và rèn luyện trở thành con ngoan, trò giỏi, bạn tốt, cháu ngoan Bác Hồ.
II. Bác Hồ của chúng em
1. Giai đoạn 1890 - 1911
Bác Hồ (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học tên là Nguyễn Tất Thành, hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thân phụ là Nguyễn Sinh Sắc, thân mẫu là Hoàng Thị Loan.
Từ lúc sinh ra đến 5 tuổi, Nguyễn Sinh Cung sống trong sự chăm sóc đầy tình thương yêu của gia đình, đặc biệt là ông bà ngoại. Năm 1895, Nguyễn Sinh Cung theo gia đình vào sống ở Huế. Đầu năm 1901, sau khi thân mẫu qua đời, Nguyễn Sinh Cung lại theo cha trở về Nghệ An, rồi lấy tên là Nguyễn Tất Thành, tích cực học chữ Hán và còn theo cha đi một số nơi, học thêm nhiều điều. Năm 1906, Nguyễn Tất Thành lại theo cha vào Huế, thoạt đầu học trường Pháp - Việt, sau học trường Quốc học Huế. Khoảng cuối năm 1909, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Bình Định, tháng 8/1910 vào Phan Thiết, làm giáo viên trường Dục Thanh. Tháng 02/1911, Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn. Ngày 05/6/1911 với tên gọi mới là Văn Ba, lên tàu Amiran Latusơ Tơrêvin, rời bến cảng Nhà Rồng đi Mác xây (Pháp).
2. Giai đoạn 1911 - 1920
Tại Mác-xây, ngày 15/9/1911, Bác viết thư gửi Bộ trưởng thuộc địa Pháp, ký tên Nguyễn Tất Thành, xin vào học trường thuộc địa nhưng đã bị từ chối. Từ năm 1912, Bác đi qua một số nước châu Phi, châu Mỹ. Giữa năm 1913, Bác đến nước Anh, tham gia nhiều hoạt động ở đây cho đến giữa năm 1917 mới trở lại nước Pháp, hoạt động trong phong trào Việt kiều và phong trào công nhân Pháp.
Đầu năm 1919, Bác tham gia Đảng Xã hội Pháp - một chính đảng tiến bộ ở Pháp lúc đó. Tháng 6/1919, lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Bác đã gửi bản yêu sách gồm 08 điểm tới Hội nghị các nước đế quốc họp ở Véc-xây (nước Pháp), đòi chính phủ các nước họp Hội nghị phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Tháng 7/1920, Bác đọc được Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin. Tại Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp tháng 12/1920, Bác bỏ phiếu tán thành việc gia nhập Quốc tế thứ ba (Quốc tế Cộng sản do Lênin thành lập) và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người Cộng sản đầu tiên của Việt Nam, đánh dấu bước chuyển biến quyết định trong tư tưởng và lập trường chính trị của Người, từ lập trường yêu nước chuyển sang lập trường cộng sản.
3. Giai đoạn 1921 - 1930
Năm 1921, cùng với một số người yêu nước của các thuộc địa Pháp, Bác tham gia sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa. Tháng 4/1922, Hội xuất bản báo “Người cùng khổ” (Le Paria) nhằm đoàn kết, tổ chức và hướng dẫn phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Nhiều bài báo của Bác với tên Nguyễn Ái Quốc đã được đưa vào tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, xuất bản tại Paris năm 1925. Đây là một công trình nghiên cứu về bản chất của chủ nghĩa thực dân, góp phần thức tỉnh và cổ vũ nhân dân các nước thuộc địa đứng lên tự giải phóng.
Ngày 13/6/1923, Bác rời nước Pháp đi Đức và ngày 22/6/1923 đi Liên Xô. Từ tháng 7/1923 đến tháng 10/1924, Bác tích cực hoạt động trong phong trào cộng sản quốc tế, bổ sung và phát triển lý luận về cách mạng thuộc địa. Bác hoạt động trong Quốc tế Nông dân; học tập tại trường Đại học phương Đông; tham gia Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản và được chỉ định là Ủy viên Thường trực Bộ phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục phương Nam; tham dự Đại hội II Quốc tế Công hội đỏ, Đại hội Quốc tế Cộng sản Thanh niên; tiếp tục viết nhiều sách báo tuyên truyền cách mạng, hoàn thành tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp...
Tháng 11/1924, với tư cách là Ủy viên Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản và Ủy viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân, Bác đến Quảng Châu (Trung Quốc). Tại Quảng Châu, Bác làm việc trong đoàn cố vấn Bôrôđin của Chính phủ Liên Xô bên cạnh Chính phủ Tôn Dật Tiên.
Năm 1925, Bác thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trực tiếp mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ cách mạng, ra tuần báo “Thanh niên”, tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam, chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Các bài giảng của Bác tại các lớp huấn luyện được tập hợp in thành sách “Đường Kách mệnh” - một văn kiện lý luận quan trọng đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam.
Đầu năm 1926, trong “Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản”, Bác đã thông báo ở mục 3 là: “Tổ chức một tổ thiếu nhi, lựa chọn trong con em nông dân và công nhân...”. Đến ngày 22/7/1926, Bác viết thư cho ủy ban Trung ương Đội Thiếu niên Tiền phong (thuộc Đoàn Thanh niên Cộng sản Lênin) đề nghị đào tạo theo chương trình lâu dài một số thiếu niên Việt Nam thành cán bộ Đoàn sau này.
Tháng 5/1927, khi tình hình cách mạng Trung Quốc có nhiều biến động phức tạp, Bác rời Quảng Châu đi Mát-cơ-va (Liên Xô), sau đó đi Béc-lin (Đức), đi Brúc-xen (Bỉ), tham dự phiên họp mở rộng của Đại hội đồng Liên đoàn chống chiến tranh đế quốc, sau đó đi Ý và từ đây về châu Á.
Từ tháng 7/1928 đến tháng 11/1929, Bác hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước ở Xiêm (Thái Lan), tiếp tục chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ ngày 06/01 đến ngày 07/02/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản họp tại bán đảo Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) dưới sự chủ trì của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị nhất trí thành lập một đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời, Hội nghị thông qua Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Chương trình tóm tắt của Đảng, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Điều lệ tóm tắt của các hội quần chúng. Đây là bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam gắn liền với tên tuổi của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta.
4. Giai đoạn 1930 - 1945
Từ năm 1930 đến năm 1941, tuy hoạt động ở nước ngoài nhưng Bác vẫn chỉ đạo sát sao phong trào cách mạng trong nước. Trong khoảng thời gian ấy, Bác có lúc ở Liên Xô, lúc ở Trung Quốc, từng bị kẻ thù bắt giam ở Hồng Kông. Cuối năm 1932, Bác được trả tự do, sau đó đến Liên Xô học tại trường Quốc tế Lênin. Từ năm 1934 đến năm 1938, Bác nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc thuộc địa tại Mát-cơ-va (Liên Xô). Kiên trì con đường đã xác định cho cách mạng Việt Nam, Bác tiếp tục theo dõi, chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước. Năm 1938, Bác trở về Trung Quốc chủ yếu hoạt động ở vùng Quảng Tây cho đến năm 1941 thì về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Bác triệu tập Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, xác định đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, chỉ đạo thành lập Mặt trận Việt Minh bao gồm nhiều tổ chức yêu nước. Tháng 8/1942, lấy tên là Hồ Chí Minh, Bác đại diện cho Mặt trận Việt Minh và Phân hội Việt Nam thuộc Hiệp hội Quốc tế chống xâm lược sang Trung Quốc tìm sự liên minh quốc tế, cùng phối hợp hành động chống phát xít trên chiến trường Thái Bình Dương. Bác bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam trong các nhà lao của tỉnh Quảng Tây. Trong thời gian một năm 14 ngày bị tù, Bác đã viết tập thơ “Nhật ký trong tù” với 133 bài thơ chữ Hán. Tháng 9/1943, Bác được trả tự do. Tháng 9/1944, Bác trở về căn cứ Cao Bằng. Tháng 12/1944, Bác chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 5/1945, Bác rời Cao Bằng về Tân Trào (Tuyên Quang). Tại đây theo đề nghị của Bác, Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân đã họp quyết định Tổng khởi nghĩa. Đại hội Quốc dân đã bầu ra Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do Bác Hồ làm Chủ tịch.
Cũng trong thời gian ấy, theo chỉ thị của Đảng và Bác Hồ kính yêu, tổ chức Hội Nhi đồng Cứu quốc (nay là Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh) đã được thành lập tại thôn Nà Mạ, xá Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng (vùng Pác Pó) do Đoàn Thanh niên cứu quốc (nay là Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh) trực tiếp phụ trách. Trong khi kêu gọi thiếu niên đoàn kết đấu tranh góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc, Bác không quên nhắc đến trách nhiệm của các em: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ. Tùy theo sức của mình”. Bác khích lệ các em rằng biết lễ phép, vệ sinh, biết giúp đồng bào khi gặp khó khăn nghĩa là tự rèn luyện mình cũng là tham gia kháng chiến. Ở mỗi giai đoạn cách mạng, khi vận động tập hợp quần chúng, khi tiến hành hai cuộc kháng chiến cứu nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Bác Hồ đều có thư và thơ cho thiếu nhi. Mở đầu bài thơ “Kêu gọi thiếu nhi” (1941), Bác viết:
“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan
Chẳng may vận nước gian nan
Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng…”
Lời kêu gọi ấy của Bác có sức lan tỏa mãnh liệt trong thiếu niên, nhi đồng. Vâng theo lời Bác dạy, được sự dìu dắt của Bác cùng Trung ương Đảng và Đoàn Thanh niên cứu quốc, những thành viên trong Hội đã cùng cha anh tích cực làm cách mạng, Đội thiếu nhi cứu quốc được thành lập ở khắp các địa phương trong cả nước. Cả nước tham gia đánh Tây, đuổi Nhật, giải phóng dân tộc thống nhất nước nhà. Thời kỳ này Đội hoạt động chủ yếu nhằm vào mục đích “Dự bị vào giúp đánh Tây, đánh Nhật làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập”. Các đội viên, thiếu nhi tích cực tham gia hoạt động cách mạng như: làm liên lạc, trinh sát, bảo vệ xóm làng, bảo vệ cán bộ cách mạng, làm liên lạc cho các đội Cứu quốc quân, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tham gia lao động tiết kiệm, xóa mù chữ... Đã có biết bao tấm gương thiếu niên, nhi đồng anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do của tổ quốc mà tiêu biểu là Kim Đồng, Vừ A Dính, Lê Văn Tám và các đội thiếu niên cứu quốc nổi tiếng như: Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng, Đội Thiếu niên du kích thành Huế, Đội Thiếu niên du kích Đồng Tháp Mười... Các em trong đội được tổ chức học chữ quốc ngữ, học hát những bài ca cách mạng và được tham gia cùng Trung ương Đảng, Mặt trận Việt Minh, Đoàn Thanh niên cứu quốc tổ chức lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa cách mạng, lãnh đạo nhân dân làm nên thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Giữa thời điểm cuộc kháng chiến chống Pháp đang vào giai đoạn quyết liệt với biết bao gian khổ, thử thách, nhưng với tấm lòng nhân ái bao la, Bác Hồ vẫn dành những tình cảm đẹp nhất cho các cháu thiếu nhi, cho mầm xanh tương lai dân tộc. Nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi, bác viết thư gửi các cháu: “Các cháu yêu quý! Ngày 1-6 là ngày của các cháu bé khắp cả các nước trên thế giới. Đáng lẽ tất cả các cháu đều được no ấm, được vui chơi, được học hành như trẻ con ở Liên Xô... Nhưng nước Việt Nam ta, vì giặc Pháp gây ra chiến tranh, chúng nó đốt nhà, giết Bác, cướp của. Cho nên, Bác lớn phải kháng chiến, trẻ con cũng phải kháng chiến. Bác thương các cháu lắm. Bác hứa với các cháu rằng: đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cùng cố gắng làm cho các cháu cùng được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng”.
Khi nào cũng vậy, đến với trẻ em, viết cho trẻ em phong cách và văn phong của Bác thật giản dị, gần gũi. Rồi mỗi khi các em tích cực tham gia việc nhà giúp đỡ gia đình có công với cách mạng hay có thành tích xuất sắc trong học tập, Bác kịp thời viết thư và gửi quà khen ngợi:
“Vở này ta tặng cháu yêu ta
Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là
Mong cháu ra công mà học tập
Mai sau cháu giúp nước non nhà”.
(Tặng cháu - 1944)
Tháng 8/1945, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Bác đã đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
5. Giai đoạn 1945 - 1954
Những năm 1945-1946, Bác cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, đối phó với thù trong, giặc ngoài, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”; tổ chức Tổng tuyển cử trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Quốc hội khóa I (1946) đã bầu Bác làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1947, giặc Pháp huy động lục quân và thủy quân mở trận tấn công lớn vào căn cứ địa Việt Bắc. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Bác Hồ và Bộ Tổng tư lệnh, quân dân ta dã đánh bại hoàn toàn quân giặc. Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (1951), Bác được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, kết thúc bằng Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, đưa miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Mặc dù biết rằng cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, bận rất nhiều công việc trọng đại nhưng Bác luôn quan quan tâm đến thiếu nhi. Tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của Bác qua những bức thư, lời dạy, bài viết gửi thiếu niên nhi đồng cả nước nhân dịp Tết Thiếu nhi, ngày khai trường, Tết Trung thu... mãi mãi khắc sâu, trở tài sản vô giá đối với thế hệ măng non nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Ngay sau khi đất nước giành độc lập, trong mùa khai trường đầu tiên năm 1945 dưới chế độ Dân chủ Cộng hòa, Bác đã gửi thư cho học sinh bày tỏ sự quan tâm sâu sắc, sự kỳ vọng lớn lao vào thế hệ tương lai: “Nước nhà mong chờ ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Khen ngợi những đóng góp của thiếu nhi trong chiến thắng Thu - Đông 1947, tháng 2 năm 1948 Bác Hồ đã viết thư đề xướng sáng kiến tổ chức phong trào hành động cách mạng của thiếu nhi Việt Nam lấy tên là “Phong trào trần Quốc Toản”. Trong thư Bác viết: “Qua năm mới, Bác đề nghị các cháu làm một việc là tổ chức những Đội Trần Quốc Toản … Các cháu nên hiểu rằng: giúp đỡ đồng bào tức là tham gia kháng chiến. Và do đó, các cháu sẽ luyện tập cái tinh thần siêng năng và bác ái để sau này thành Bác công dân tốt của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”.
Trong Thư gửi thiếu nhi toàn quốc nhân ngày 1/6/1950, Bác viết: “Ở nước Việt Nam ta, thì vì giặc Pháp gây ra chiến tranh, chúng nó đốt nhà, giết Bác, cướp của. Vì vậy, Bác lớn phải kháng chiến, trẻ con cũng phải kháng chiến. Bác thương các cháu lắm. Bác hứa với các cháu rằng: đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cũng cố gắng làm cho các cháu đều được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng”… “Các cháu đã xứng đáng là dòng dõi Phù Đổng Thiên Vương, Trần Quốc Toản. Thật xứng đáng là nhi đồng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Bác rất bằng lòng các cháu”.
Vào các dịp Tết Trung thu, Bác đều làm thơ tặng thiếu niên, nhi đồng:
Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng
Sau đây Bác viết máy dòng
Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung
(Thư trung thu 1951)
Ai yêu nhi đồng
Bằng Bác Hồ Chí Minh
Tính các cháu ngoan ngoãn
Mặt các cháu xinh xinh
Mong các cháu cố gắng
Thi đua học và hành
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Tùy theo sức của mình
Để tham gia kháng chiên
Để gìn giữ hòa bình
Các cháu hãy xứng đáng
Cháu Bác Hồ Chí Minh
(Thư trung thu 1952)
Thư này Bác gửi thư chung
Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa
Thu này hơn những thu qua
Kháng chiến thắng lợi gấp ba, bốn lần
(Gửi các cháu nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu 1953)
Việc đánh giặc, kháng chiến, kiến quốc là những công việc của Bác lớn, của các tổ chức cách mạng. Bác cũng thật đau lòng và xót xa khi trong chiến tranh đạn lửa các em thiếu nhi không những không có điều kiện để được chăm sóc, bảo vệ và học tập mà ngược lại với sức lực nhỏ bé của mình các em còn tham gia một phần việc của cách mạng. Tháng 3/1951, Hội đổi tên thành Đội Thiếu nhi Tháng Tám và thống nhất một số chủ trương mới như đội viên đeo khăn quàng đỏ, bài ca chính thức, khẩu hiệu, phiên chế tổ chức Đội. Đồng thời, trong thời gian này, Bác còn động viên và viết thư hướng dẫn các em tham gia công tác Trần Quốc Toản, giúp đỡ các gia đình thương binh liệt sĩ neo đơn. Và đã xuất hiện những tấm gương sáng tiêu biểu đã anh dũng hy sinh khắc sâu vào lịch sử cách mạng nước nhà như: Kim Đồng tấm gương tiêu biểu thời kỳ đầu cách mạng đã hy sinh ngay bên suối Lênin để bảo vệ cán bộ thoát khỏi vòng vây của kẻ thù. Lê Văn Tám, với danh hiệu bất tử Em bé đuốc sống, hay Dương Văn Nội (Hà Nội) tự tay bắn chết ba tên Pháp và hy sinh anh dũng tại trận phục kích địch ở trận Xấu Giá (Sơn Tây), Vừ A Dính (Tuần Giáo, Lai Châu, nay là tỉnh Điện Biên)... Những tấm gương anh dũng đó là niềm tin, là động lực đã giúp cho cuộc kháng chiến kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta thắng lợi.
6. Giai đoạn 1954 -1969
Miền Bắc được giải phóng, nhưng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, biến nơi đây thành thuộc địa kiểu mới. Trung ương Đảng và Bác Hồ tiếp tục lãnh đạo nhân dân thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đại hội lần thứ III của Đảng năm 1960 đã bầu lại Bác Hồ làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Quốc hội khóa II, khóa III bầu Bác làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bác Hồ đề ra đường lối đúng đắn, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc thắng lợi; đặt nền móng và không ngừng vun đắp tình hữu nghị giữa dân tộc Việt Nam với các dân tộc trên thế giới, giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các Đảng Cộng sản và phong trào công nhân quốc tế.
Cũng trong giai đoạn này, trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong (tháng 15/5/1941 - 15/5/1961) Bác gửi thư chúc mừng và ân cần động viên các em thiếu nhi. Trong thư Bác viết: “Trong thời kỳ qua, từ Bắc đến Nam, thiếu niên và nhi đồng đã hăng hái tham gia cách mạng và kháng chiến, có những thiếu niên và nhi đồng đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc, như Kim Đồng, Lê Văn Tám và nhiều cháu khác. Từ ngày hòa bình trở lại, ở miền Bắc có Đảng lãnh đạo, có Đoàn giúp đỡ, các cháu đều chăm chỉ học hành, tham gia lao động, cháu nào cũng ngoan. Bác vui lòng khen ngợi các cháu”.
Qua bức thư của Bác gửi cho thiếu nhi, chúng ta thấy một điều hết sức lớn lao đó là với một tình yêu thương bao la, một tầm nhìn sâu rộng, Bác là người đầu tiên phát hiện và chỉ ra vai trò của thiếu nhi trong sự nghiệp cứu nước và xây dựng đất nước. Bác cũng đã khẳng định thiếu nhi là lực lượng cách mạng trong công cuộc giải phóng đất nước, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với niềm tin yêu của Bác dành cho, những lời chỉ bảo ân cần của Bác được các em xem như là mục tiêu phấn đấu, là tiêu chuẩn để đánh giá những đội viên tiêu biểu của Đội như:
Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh
Thật thà dũng cảm.
Cũng ngay trong lá thư này, Bác ân cần nhắc nhở thiếu niên nhi đồng: “Mai sau, các cháu sẽ là Bác chủ của nước nhà. Cho nên ngay từ rày, các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên Bác công dân tốt, Bác cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Trong bài viết “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng trên báo Nhân Dân ngày 01-6-1969, Bác cũng nhắc nhở các gia đình, đoàn thể và toàn dân: “Thiếu niên, nhi đồng là Bác chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ. Trong thời gian tới và trong dịp hè này, cần phải đẩy mạnh công tác thiếu niên, nhi đồng đạt nhiều kết quả tốt và thiết thực”.
Vâng lời Bác, đội viên thiếu niên tiền phong đã không ngừng tu dưỡng và rèn luyện, tích cực xây dựng tổ chức đội góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp cách mạng của đất nước như: phong trào “Vì miền Nam ruột thịt”, “Việc nhỏ, chí lớn, chống Mỹ cứu nước”, “Làm nhiều việc tốt thực hiện Năm điều Bác Hồ dạy”. Từ đó đã có nhiều tập thể và cá nhân đội viên giành danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”, trong đó có những đội viên trở thành dũng sĩ diệt Mỹ, diệt ngụy đã đi vào lịch sử của dân tộc.
Trong những năm cuối đời, trên bàn làm việc của Bác thường có một cái phong bì để những tấm ảnh các cháu dũng sỹ miền Nam. Mỗi khi có khách quý nước ngoài đến thăm, Bác thường đem ra giới thiệu. Bác nói các cháu này đã được đồng bào miền Nam bầu là dũng sỹ, các cháu ấy đã làm được những việc mà trước đây chúng tôi ở tuổi ấy không làm được.
Ngày 02/9/1969, Bác qua đời, để lại muôn vàn tiếc nuối cho toàn Đảng, dân tộc Việt Nam, nhân dân thế giới nói chung và các em đội viên, thiếu niên, nhi đồng nói riêng. Trước lúc đi xa, qua “Di chúc” thiêng liêng, Bác gửi muôn vàn tình yêu thương cho dân tộc Việt Nam, trong đó Bác không quên nhắc đến thế hệ thiếu niên, nhi đồng bằng những tình cảm đặc biệt: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”. Bác đã đi xa nhưng những lời căn dặn, hành động, tình cảm của Bác sẽ mãi mãi khắc sâu trong tâm trí thiếu nhi nói riêng và mỗi Bác dân Việt nói chung. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác luôn là tấm gương sáng ngời cho chúng ta học tập. Năm 1990, tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) đã tôn vinh Bác danh hiệu: “Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới”.
III. Một số khẩu hiệu tuyên truyền
1. Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 -19/5/2020)!
2. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!
3. Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!
4. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!
5. Thiếu nhi Việt Nam thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy!
6. Thiếu nhi Việt Nam - Vâng lời Bác dạy - Làm nghìn việc tốt - Mừng Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ IX!
7. Thiếu nhi Việt Nam - Đoàn kết, chăm ngoan - Xứng danh cháu ngoan Bác Hồ!
IV. Một số hình thức tuyên truyền trong thiếu nhi
1. Đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống báo chí của tổ chức Đoàn, Đội; tăng cường đăng tải tin, bài trên các trang tin thông tin điện tử của các tỉnh, thành đoàn…
2. Xây dựng các ấn phẩm tuyên truyền như video clip, infographic… tuyên truyền thông qua các trang mạng xã hội của Đoàn, Hội, Đội và của đoàn viên, thanh thiếu nhi về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ.
3. Đội viên, thiếu niên, nhi đồng tham gia cuộc thi “Bác Hồ với thiếu nhi - Thiếu nhi với Bác Hồ” tổ chức từ 15/4/2020 đến 30/6/2020.
4. Tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt liên đội, chi đội, phát thanh măng non với chủ đề “Bác Hồ với thiếu nhi - Thiếu nhi với Bác Hồ” theo từng cấp học, với các nội dung cụ thể như sau:
4.1. Đối với khối Tiểu học
- Quê hương của Bác Hồ, các tên gọi khác của Bác Hồ.
- Các câu chuyện, bài hát về Bác Hồ.
- Những nơi Bác Hồ đã sống tuổi niên thiếu, thời gian Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và Bác trở về Việt Nam.
- Các quốc gia Bác Hồ đã đến trong thời gian đi tìm đường cứu nước và công việc Bác đã làmTìm hiểu về Bác Hồ và làm theo 5 điều Bác Hồ dạy.
4.2. Đối với khối Trung học cơ sở
- Giải thích 5 điều Bác Hồ dạy.
- Một số lá thư của Bác Hồ gửi cho thiếu nhi; hiểu và nắm rõ truyền thống của thiếu nhi Việt Nam; biết một số di tích lịch sử tiêu biểu của đất nước.
- Thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy.
- Đọc và tìm hiểu các bài nói, bài viết và lời dạy của Bác Hồ đối với thiếu nhi.
-----------------