BÀI DỰ THI TÌM HIỂU PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG

Thứ hai - 27/09/2021 23:01
BÀI DỰ THI
TÌM HIỂU PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG
Họ tên người dự thi: Nguyễn Thị Quyến
Ngày tháng năm sinh: 01/05/1971
Số căn cước CD hoặc số CMT: 111112892
Địa chỉ: Thanh Thùy- Thanh Oai- Hà Nội
Đơn vị công tác: Trường THCS Thanh Thùy
Số ĐT liên hệ: 0984538859

A. PHẦN THI TRẮC NGHIỆM
Câu hỏi Đáp án Câu hỏi Đáp án
Câu 1 A Câu 14 C
Câu 2 D Câu 15 C
Câu 3 B Câu 16 D
Câu 4 D Câu 17 D
Câu 5 D Câu 18 A
Câu 6 D Câu 19 C
Câu 7 D Câu 20 C
Câu 8 B Câu 21 B
Câu 9 D Câu 22 A
Câu 10 B Câu 23 D
Câu 11 A Câu 24 D
Câu 12 D Câu 25 D
Câu 13 B  


B. PHẦN THI TỰ LUẬN
Anh (chi) hãy trình bày và phân tích các giai đoạn phát triển của pháp luật về phòng chống tham nhũng từ 1945-nay?
Trả lời:
Luật phòng chống tham nhũng quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.Sự phát triển của pháp luật hình sự Việt Nam về các tội phạm về tham nhũng từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay trải qua các giai đoạn sau:
a, Giai đoạn từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến trước khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1985
      Trước khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1985, việc xử lý các hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của các Sắc lệnh, chỉ thị. Trong đó, nổi bật là Sắc lệnh số 223/SL, ngày 27/11/1946 về trừng trị các tội hối lộ, phù lạm, biển thủ công quỹ; Sắc lệnh 267/SL, ngày 15/6/1946 quy định trừng trị những âm mưu và hoạt động phá hoại tài sản của Nhà nước, của hợp tác xã và của nhân dân làm cản trở việc thực hiện chính sách, kế hoạch của Nhà nước…
      Trong Sắc lệnh số 223/SL, ngày 27/11/1946 về trừng trị các tội hối lộ, phù lạm, biển thủ công quỹ có quy định như sau:
      Điều 1 Sắc lệnh quy định: Tội đưa hối lộ cho công chức, tội công chức nhận hối lộ hoặc phù lạm, biển thủ công quỹ hay của công dân đều bị phạt khổ sai từ năm đến hai mươi năm và phạt bạc gấp đôi tang vật hối lộ, phù lạm hay biển thủ; tang vật hối lộ bị tịch thu sung công; người phạm tội có thể bị xử tịch thu nhiều nhất là đến ba phần tư gia sản; các đồng phạm và tòng phạm cũng bị phạt như trên.
      Điều 2 Sắc lệnh quy định:Người phạm tội đưa hối lộ cho một công chức mà tự ý cáo giác cho nhà chức trách việc hối lộ ấy và chứng minh rằng đưa hối lộ là vì bị công chức cưỡng bách ước hứa hay là dùng cách trá ngụy thì người ấy được miễn hết các tội. Trong trường hợp này, tang vật hối lộ được hoàn lại.
      Có thể thấy, trong Sắc lệnh số 223 đã ghi nhận những hành vi sau được coi là tham nhũng: hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ; hành vi biển thủ công quỹ hay của công dân. Đồng thời, trong Sắc lệnh cũng có quy định về việc nếu người phạm tội đưa hối lộ cho công chức tự ý cáo giác cho nhà nước và chứng minh rằng bị cưỡng ép thì sẽ được miễn hết các tội.
      Như vậy, tuy các hành vi tham nhũng chưa được hình sự hóa nhưng việc ghi nhận những hành vi này trong các Sắc lệnh đã tạo ra cơ sở pháp lý cho việc xử lý những hành vi này, đảm bảo sự công bằng, tính nghiêm minh của pháp luật.
b, Giai đoạn từ khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1985 đến trước khi ban hành Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999
      Năm 1985 Bộ luật hình sự đầu tiên của nước ta ra đời trên cơ sở của nền kinh tế bao cấp và thực tiễn của tình hình tội phạm thời kỳ đó. Trong Bộ luật hình sự năm 1985 đã có quy định về các hành vi tham nhũng và hình phạt tương ứng cho mỗi hành vi.
      Để có những quy định cụ thể phục vụ cho công tác phòng chống tội phạm phù hợp với tình hình thực tế của từng giai đoạn, BLHS đã được sửa đổi, bổ sung liên tiếp: ngày 28/12/1889 (lần 1); ngày 12/8/1991 (lần 2); ngày 22/12/1992 (lần 3); ngày 10/5/1997 (lần 4).
      Theo đó, các hành vi tham nhũng được hình sự hóa là: hành vi tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa; lợi dụng chức vụ, quyền hạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản;…
      Các hành vi tham nhũng được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1985 và được sửa đổi, bổ sung qua các giai đoạn đều có chung những dấu hiệu sau:
+ Chủ thể của các tội phạm về tham nhũng đều là những người có chức vụ, quyền hạn;
+ Các tội phạm về tham nhũng có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái với công vụ;
+ Các tội phạm về tham nhũng xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước và tổ chức xã hội;
+ Các tội phạm về tham nhũng đều vì mục đích vụ lợi.
      Như vậy, Bộ luật hình sự năm 1985 không chỉ quy định những hành vi tham nhũng để tạo căn cứ pháp lý cho việc xử lý những hành vi này mà còn quy định thêm nhiều hành vi tham nhũng trong Bộ luật hình sự so với các hành vi tại Sắc lệnh 223 như hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản… Quy định này cho thấy xu hướng mở rộng việc xử lý các hành vi tham nhũng để phù hợp với tình tình thực tế.
      Việc ghi nhận các hành vi tham nhũng trong Bộ luật hình sự 1985 cho thấy sự quan tâm đúng mực của nhà nước đối với vấn đề này, đồng thời tạo ra hành lang pháp lý vững chắc để xử lý những hành vi mang tính nguy hiểm cho xã hội cao, gây nhiều thiệt hại cho nhà nước, công dân.
c. Quy định về các tội phạm về tham nhũng của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999 và Bộ luật hình sự năm 2015
     Để đáp ứng và phục vụ công cuộc đổi mới của đất nước, luật hình sự buộc phải có những thay đổi mang tính phát triển. Sự phát triển này được thể hiện trước hết và chủ yếu trong những sửa đổi, bổ sung của BLHS. Chúng ta có thể chia quá trình phát triển này thành hai giai đoạn: Giai đoạn từ 1986 đến trước khi có BLHS năm 1999 và giai đoạn từ khi có BLHS năm 1999 đến nay. Trong giai đoạn đầu, sự thay đổi của BLHS chỉ có tính cục bộ nhằm mục đích khắc phục tạm thời những hạn chế, những bất hợp lí của BLHS năm 1985. Ở giai đoạn thứ hai, sự ra đời BLHS năm 1999 đánh dấu sự thay đổi tương đối toàn diện của luật hình sự Việt Nam, trong đó có cả những quy định về phòng chống tham nhũng.
      Trong Bộ luật hình sự năm 1999, đã có 7 hành vi được hình sự hóa thành các tội phạm tham nhũng đó là: tham ô tài sản (Điều 278); nhận hối lộ (Điều 279); lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280); lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281); lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 282); lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 283); giả mạo trong công tác (Điều 284).
      Các quy định về các tội phạm tham nhũng trong Bộ luật hình sự năm 1999 thể hiện sự tiến bộ trong kỹ thuật lập pháp khi quy định rõ ràng, cụ thể hơn để các cơ quan có thẩm quyền dễ dáng áp dụng trên thực tế.
      Ví dụ, đối với tội tham ô tài sản, Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa mà mình có trách nhiệm trực tiếp quản lý, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm” (Khoản 1 Điều 133). Trong quy định này, có thể thấy các nhà làm luật cũng đã mô tả đầy đủ các dấu hiệu của tội tham ô tài sản: hành vi khách quan là hành vi chiếm đoạt tài sản; chủ thể thực hiện hành vi là người có chức vụ quyền hạn trong việc quản lý tài sản và mới động cơ vụ lợi. Tuy nhiên, trong quy định này không đề cập đến giá trị của tài sản tham ô phải là bao nhiêu, mà phải đến những lần sửa đổi, bổ sung thì các nhà làm luật mới thêm vào quy định về trị giá tài sản tham ô. Đến Bộ luật hình sự năm 1999, về cơ bản đã hạ mức sàn của trị giá tài sản tham ô (từ 5 triệu đồng theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của bộ luật hình sự năm 1985 xuống còn năm trăm nghìn đồng); đồng thời ghi nhận thêm nhiều hành vi làm tình tiết tăng nặng cho tội phạm và quy định thêm hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ.
      Có thể nhận thấy rằng, Bộ luật hình sự năm 1999 quy định ít hành vi được coi là các tội phạm về tham nhũng hơn so vớ Bộ luật hình sự năm 1985 sửa đổi bổ sung năm 1997. Cụ thể, Bộ luật hình sự năm 1999 đã không coi những hành vi như đưa hối lộ, môi giới hối lộ; hành vi lập quỹ trái phép là tội phạm tham nhũng  mà hành vi đưa hối lộ bị coi là những tội phạm khác về chức vụ.
      Như vậy, Bộ luật hình sự năm 1999 có xu hướng thu hẹp những hành vi bị coi là tội phạm tham nhũng, nhưng trong mỗi hành vi thì các nhà làm luật lại quy định mức giá trị tài sản tham nhũng thấp hơn và những tình tiết định khung tăng nặng nhiều hơn, do đó, tuy ít hành vi hơn nhưng phạm vi xử lý trong mỗi hành vi phạm tội lại rộng hơn. Có thể khẳng định, bộ luật hình sự năm 1999 có xu hướng mở rộng hơn về việc xử lý các tội phạm về tham nhũng.
Quy định về các tội phạm về tham nhũng của Bộ luật Hình sự năm 2015
      Pháp lệnh Chống tham nhũng năm 1998 đã liệt kê 11 hành vi tham nhũng được xây dựng trên cơ sở Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự (BLHS) ngày 10/5/1997 về các tội tham nhũng. Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1999 được ban hành đã dành riêng 01 chương quy định về các tội phạm về chức vụ trong đó 01 mục (mục A) với 07 điều luật quy định về các tội phạm tham nhũng và 01 mục (mục B) với 07 điều luật quy định về các tội phạm khác về chức vụ. Tuy nhiên, Luật Phòng, chống tham nhũng (Luật PCTN) năm 2005 đã quy định 12 hành vi tham nhũng chứ không phải 07 hành vi. Như vậy, các tội phạm về tham nhũng quy định tại Mục A, Chương XXI, BLHS năm 1999 không còn phù hợp với quy định về hành vi tham nhũng của Luật PCTN năm 2005. BLHS năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 nhưng không sửa đổi, bổ sung các tội phạm về tham nhũng, nên các tội phạm về tham nhũng quy định tại Mục A, Chương XXI vẫn là 07 tội. Có thể thấy sự không thống nhất giữa các quy định trong các văn bản pháp luật dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng.
      Bên cạnh đó, kết quả rà soát, đánh giá các quy định của BLHS năm 1999 với Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng cũng cho thấy, pháp luật hình sự của Việt Nam chưa thực sự tương thích với các yêu cầu về hình sự hóa quy định tại Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) như mở rộng tội phạm tham nhũng ra khu vực tư, hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp, đưa lợi ích phi vật chất vào cấu thành tội nhận hối lộ…
      Nhóm tội phạm về tham nhũng được quy định tại mục 1 Chương XXIII của BLHS năm 2015 gồm 7 điều, từ Điều 353 đến Điều 359. Đó là các tội: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm quyền trong khi thi hành công vụ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi và giả mạo trong công tác. Về cơ bản thì những hành vi được coi là tội phạm tham nhũng không thay đổi so với bộ luật hình sự năm 1999 nhưng trong mỗi điều luật, chúng ta đều có thể thấy xu hướng mở rộng  phạm vi xử lý các tội phạm về tham nhũng:
      Thứ nhất, mở rộng phạm vi chủ thể của tội tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước.
      Trong bộ luật hình sự năm 1999, chủ thể của các tội phạm về tham nhũng chỉ có thể là những người trong nhà nước (cán bộ, công chức, viên chức). Tuy nhiên, trên thực tế những người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực tư cũng hoàn toàn có thể thực hiện các hành vi tham nhũng này. Một người thủ quỹ, thủ kho trong doanh nghiệp có thể thực hiện hành vi tham ô tài sản, một người giám đốc, trưởng phòng cũng có thể nhận hối lộ. Do đó, một yêu cầu cấp thiết là phải đưa nhóm chủ này thành chủ thể của các tội phạm tham nhũng.
      Bộ luật hình sự năm 2015 đã đáp ứng được yêu cầu này. Các nhả làm luật đã mở rộng phạm vi chủ thể thực hiện tội phạm, không chỉ còn bó hẹp trong khu vực nhà nước (cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước) mà còn gồm cả những người có chức vụ trong khi thực hiện “nhiệm vụ” (tại các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước).
      Thứ hai, quy định về của hối lộ có thể là lợi ích phi vật chất.
      Trong Bộ luật hình sự năm 1999, để có thể cấu thành các tội phạm về tham nhũng như tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ thì của hối lộ phải là những lợi ích trị giá được bằng tiền. Tuy nhiên, đến bộ luật hình sự năm 2015, của hối lộ không chỉ còn là những lợi ích vật chất trị giá được bằng tiền mà là bất kỳ lợi ích nào, có thể là lợi ích tinh thần (vị trí, tình dục,…). Bên cạnh đó, bộ luật hình sự năm 2015 còn quy định thêm việc nhận những lợi ích này không chỉ cho mình mà còn cho người khác. Như vậy, nội hàm của quy định này đã được mở rộng.
      Những quy định này của bộ luật hình sự năm 2015 phù hợp với quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng. Cụ thể, trong công ước cũng quy định về tội phạm tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước (Điều 21, Điều 22 Công ước liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng); đồng thời công ước cũng quy định về của hối lộ có thể là bất kỳ một lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc người khác.
Xu hướng phát triển của pháp luật hình sự Việt Nam về các tội phạm về tham nhũng
      Thứ ba, bổ sung cấu thành tăng nặng định khung hình phạt đối với một số tội và bổ sung các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về tham nhũng.
      Cũng giống như hầu hết các quy định của BLHS năm 1999 về các nhóm tội phạm cụ thể khác, các quy định về tội phạm tham nhũng còn nhiều hạn chế, dấu hiệu định tội, định khung của nhiều tội chưa rõ ràng cụ thể, nhiều tình tiết có tính chất “định tính”, gây khó khăn cho việc áp dụng để xử lý tội phạm. Hơn nữa, một số quy định về tội phạm chức vụ còn quá đơn giản, chưa dự liệu được hết các trường hợp phạm tội có tính nghiêm trọng hơn, do đó, chỉ thiết kế một hoặc hai khung hình phạt. Để bảo đảm tính minh bạch của các quy định, bảo đảm cá thể hóa trách nhiệm hình sự cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất áp dụng, BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung theo hướng cụ thể hóa các tình tiết định tính “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, bổ sung nhiều tình tiết tăng nặng định khung hình phạt đối với hầu hết các tội phạm về tham nhũng. Cụ thể như sau:
      Tội tham ô tài sản (Điều 353): Bổ sung các tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự tại điểm đ, e, g, khoản 2; Bổ sung các tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự tại điểm b, c, d khoản 3.
      Tội nhận hối lộ (Điều 354): Bổ sung tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự tại điểm d, khoản 2; Bổ sung các tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự tại điểm b, khoản 3; Bổ sung các tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự tại điểm b, khoản 4.
      Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản: Bổ sung tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự tại điểm đ, e khoản 2, bỏ tình tiết định khung “tái phạm nguy hiểm” theo Điều 280 BLHS 1999; Bổ sung các tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự tại điểm b, c, d khoản 3; Bổ sung các tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự tại điểm b, khoản 4.
      Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ: Bổ sung tình tiết định khung hình phạt tại khoản 1; Bổ sung tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự tại điểm c, khoản 2; Bổ sung các tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự tại khoản 3.
      Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ: Bổ sung tình tiết định khung hình phạt tại khoản 1; Bổ sung tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự tại điểm c, khoản 2; Sửa đổi khung hình phạt và bổ sung tình tiết định khung hình phạt tại khoản 3, 4.
      Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi: Bổ sung tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự tại điểm d, khoản 2; Bổ sung tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự tại điểm b, khoản 3; Bổ sung tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự tại khoản 4.
      Tội giả mạo trong công tác: Sửa đổi định khung hình phạt tại điểm c, khoản 2; Sửa đổi, bổ sung định khung hình phạt tại khoản 3, 4.
      Thứ tư, không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội tham ô tài sản đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353, tội nhận hối lộ đặc biệt nghiệm trọng quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354. Đối với các trường hợp này, bất kể thời điểm nào phát hiện được tội phạm là có thể xử lý.
      Nhìn chung, các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về các tội phạm tham nhũng đều có xu hướng mở rộng và có phần bất lợi cho người phạm tội, tuy nhiên vẫn có một số quy định được sửa đổi theo hướng có lợi cho người phạm tội:
      Thứ nhất, tăng mức định lượng, cụ thể hóa số tiền phạt đối với các tội phạm về tham nhũng.
      Định lượng về tiền phạt đối với một số tội danh tham nhũng của Bộ luật hình sự 1999 không còn phù hợp với thực tế tình hình phát triển kinh tế – xã hội hiện nay của Việt Nam, chưa tương xứng với hậu quả do hành vi tham nhũng gây ra nên cần phải có sự điều chỉnh nâng lên cho phù hợp. Một số tội danh, mức phạt chưa được cụ thể hóa mà để theo mức độ giá trị tiền và tài sản mà người tham nhũng có được khi thực hiện hành vi tham nhũng cũng chưa hợp lý vì tiền và tài sản có được đó phải bị tịch thu còn tiền phạt thì cần được quy định cụ thể căn cứ vào tội danh nên Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi theo hướng cụ thể hóa mức tiền phạt.
      Thứ hai, nhằm hạn chế việc áp dụng hình phạt tử hình trên thực tế, góp phần thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị là giảm hình phạt tử hình, đồng thời khuyến khích người phạm tội tham nhũng khắc phục hậu quả, nộp lại tiền cho nhà nước và hợp tác với cơ quan có thẩm quyền phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm để hưởng chính sách khoan hồng. Điều 40 BLHS năm 2015 quy định “người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn” thì sẽ không thi hành án tử hình đối với người bị kết án và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân.
      Như vậy, có thể thấy các quy định về tội phạm tham nhũng qua từng giai đoạn khác nhau đều có xu hướng mở rộng. Điều này cho thấy thái độ quyết liệt của Đảng, nhà nước đối với vấn đề phòng, chống tham nhũng để xử lý nghiêm minh những hành vi có tính nguy hiểm cho xã hội cao, gây thất thoát nhiều tiền của của nhà nước và nhằm củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước.
Bên cạnh những thành tựu đạt được công tác phòng, chống tham nhũng, vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế. Hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn có một số quy định chưa phù hợp, tính khả thi thấp, hoặc còn có "lỗ hổng", nhưng chưa được sửa đổi bổ sung; hoàn thiện kịp thời để làm cơ sở pháp lý cho việc phòng, chống tham nhũng. Hiện nay, quyền tiếp cận thông tin của người dân, doanh nghiệp chưa được bảo đảm đầy đủ. Một số cán bộ, công chức lợi dụng quy định về bí mật nhà nước để che giấu thông tin, nhằm mục đích tham nhũng.
Việc kê khai tài sản, thu nhập còn nặng về hình thức; hầu hết các bản kê khai chưa được kiểm tra, xác minh, kiểm chứng; chưa giúp cho các cơ quan chức năng kiểm soát được những biến động về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn; nhiều cơ quan, đơn vị chưa nắm đầy đủ trình tự, thủ tục kê khai và công khai giải trình.
Một số người đứng đầu chưa nêu cao vai trò của mình trong phòng, chống tham nhũng, số người bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng ở các cơ quan, đơn vị còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện.
Việc xử lý tham nhũng trong nhiều trường hợp còn chưa nghiêm, chưa kịp thời. Hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, vì vậy việc phát hiện và xử lý tham nhũng gặp nhiều khó khăn. Hành vi “tham nhũng vặt” của một số cán bộ, công chức chưa bị xử lý một cách triệt để.
Việc xử lý và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, tham nhũng còn gặp rất nhiều khó khăn do một số nguyên nhân như: bị can, bị cáo trốn ra nước ngoài, hoặc bị can, bị cáo chết, hoặc chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của xã hội nên tài sản có nguồn gốc tham nhũng dễ dàng bị tẩu tán. Do đó, một số vụ án tiền, tài sản tham nhũng thu hồi được nhỏ hơn nhiều so với tổng số thiệt hại do các đối tượng chiếm đoạt.
Để thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng về phòng, chống tham nhũng trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Thứ nhất, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, trong đó:
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thật sự coi công tác phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
 Nâng cao vai trò, trách nhiệm, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp phải cam kết về sự liêm khiết và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Các cấp ủy quản lý chặt chẽ đảng viên, cán bộ; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, ngăn ngừa và phát hiện cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
 Ủy ban Kiểm tra các cấp cần làm tốt công tác tham mưu giúp cấp ủy kiểm tra, giám sát trong các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao, dễ xảy ra sai phạm. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các ban cán sự đảng, các tổ chức đảng và đảng viên ở các cơ quan nhà nước. Tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty nhà nước, các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước. Cơ quan kiểm tra của Đảng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng của Nhà nước để kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời và công khai kết quả xử lý tổ chức, cán bộ, đảng viên có vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Thứ hai, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
 Hoàn thiện Luật phòng, chống tham nhũng.Cần tiếp tục sửa đổi để quy định một cách toàn diện, bao quát, nhất là quy định cụ thể các biện pháp để bảo đảm thực hiện việc công khai, minh bạch đầy đủ, kịp thời các hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị để mọi người biết. Cần quy định rõ các nguyên tắc, hình thức, nội dung, thời gian, trách nhiệm thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, để từ đó hạn chế sự tham nhũng.Cần quy định các biện pháp hữu hiệu để quản lý, xác minh các tài sản, thu nhập của những người có chức vụ, quyền hạn; cần có các cơ quan, tổ chức chuyên trách quản lý, xác minh các bản kê khai tài sản, thu nhập xem có đúng không, có trung thực, chính xác không. Đặc biệt, cần quy định một cơ chế hữu hiệu theo dõi sự biến động tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và trách nhiệm giải trình, làm rõ tài sản, thu nhập gia tăng không hợp lý, không rõ ràng.
Hoàn thiện các quy định tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng.
Hoàn thiện pháp luật hình sự: Hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp để tăng hiệu quả chế tài xử lý tham nhũng. Thực chất, hình sự hóa hành vi này là đảo ngược trách nhiệm chứng minh; nghĩa là trách nhiệm chứng minh tài sản có bất minh hay không được chuyển từ các cơ quan tố tụng sang người nắm giữ tài sản.
Bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội phạm đưa hối lộ và xây dựng chế tài thích hợp với pháp nhân.
Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước để đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.
 Nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về nguy cơ tham nhũng, quan liêu từ sự tha hóa quyền lực nhà nước và vai trò kiểm soát quyền lực nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
 Tiếp tục nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm phát huy cơ chế này trong phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay. Trong đó, Đảng và Nhà nước cần tập trung vào hoàn thiện cơ cấu, tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
 Hoàn thiện cơ chế pháp lý kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Bởi nếu quyền lực nhà nước được kiểm soát thì sẽ hạn chế được tham nhũng.
Thứ tư, xây dựng cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng độc lập để điều tra, xử lý các hành vi tham nhũng.
Cần thành lập một cơ quan phòng, chống tham nhũng chuyên trách do Tổng Bí thư hoặc Chủ tịch nước là người đứng đầu. Ban hành cơ chế, tổ chức hoạt động để cơ quan này có quyền thanh tra, kiểm tra, giám sát vụ việc có dấu hiệu tham nhũng đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, các cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.
Những người làm việc trong các cơ quan này phải có trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp sâu trong nhiều lĩnh vực, có phẩm chất đạo đức tốt, trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân; có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thách thức và nguy hiểm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Nhà nước phải ban hành các quy định pháp luật riêng để cơ quan này thực hiện chức năng nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng nhanh chóng kịp thời, có hiệu quả.
Thứ năm, xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh và không có vùng cấm đối với các hành vi tham nhũng. Đối với các vụ án tham nhũng cần xét xử nghiêm minh, kịp thời và công khai, với những mức hình phạt thích đáng đối với các hành vi và hậu quả đã gây ra. Áp dụng các biện pháp trừng phạt một cách triệt để đối với các hành vi tham nhũng dù người đó là ai, giữ bất cứ cương vị gì cũng phải xử lý. Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng không có “vùng cấm”.
Thứ sáu, đổi mới chế độ tiền lương và các chính sách đãi ngộ cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Đây được xem là một phương án phòng, chống hữu hiệu đối với nạn tham nhũng, nhất là tệ nạn “tham nhũng vặt”. Bởi một trong những nguyên nhân sâu xa của những hiện tượng tham nhũng, đó là chế độ tiền lương và các chế độ chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ, công chức còn bất hợp lý, chưa đáp ứng được những nhu cầu cơ bản thiết yếu.
Thứ bảy, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và có chế độ khen thưởng, bảo vệ đối với những cán bộ, công chức làm công tác phòng, chống tham nhũng. Rèn luyện bản lĩnh chính trị, không khoan nhượng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Có chế độ khen thưởng xứng đáng, đề bạt kịp thời những cán bộ, công chức có thành tích trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, cần sớm có cơ chế bảo vệ đối với những cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cũng như gia đình họ.


 

Tác giả: Nguyễn Thị Quyến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Vun đắp ước mơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây